Sinh sống tại Vương quốc Hà Lan, chị Vũ Thị Vân Anh (SN 1976) là phiên dịch viên Phòng phiên dịch của EU tại Brussels, đồng thời là giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan.

Khi còn ở Việt Nam, người phụ nữ nhỏ nhắn có nụ cười rạng rỡ này từng dạy tiếng Việt tại Viện Công nghệ châu Á (AITCV). Sau này sang Hà Lan học thạc sĩ lĩnh vực truyền thông, chị chủ động tìm những nơi cần giáo viên dạy tiếng Việt.

Cơ duyên đã đưa chị đến với Viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan và gắn bó đến nay. Đây là nơi tổ chức các khóa học tiếng Việt và văn hóa Việt cho những người Hà Lan cùng vợ, chồng và con cái sẽ sang làm việc, công tác tại Việt Nam. 

W-439720132-1575089909948496-8780195599441014650-n-4.jpg
Cô giáo Vũ Thị Vân Anh trong chuyến về thăm Việt Nam đầu năm 2024.

Các khóa học tại Viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan tập trung học tiếng Việt cơ bản, chú trọng đến sự khác biệt về văn hóa, những điều có thể gây hiểu lầm hay vấn đề trong giao tiếp tại nơi làm việc; khóa học cũng nhấn mạnh về văn hóa Việt Nam và những dấu mốc có tính quyết định. 

Theo chị Vân Anh, người Hà Lan đến Việt Nam công tác rất nhiều, chưa kể Hà Lan là nước đồng bằng, không có đồi núi nên khách du lịch Hà Lan rất yêu Việt Nam. Đặc biệt là các vùng núi phía Bắc như: Sapa; Mộc Châu; Pù Luông và miền Trung là những địa điểm yêu thích của họ. Khi dạy những học viên như vậy, chị thấy mình không chỉ là truyền tải ngôn ngữ mà còn là cầu nối văn hóa, ngôn ngữ giữa 2 nước. 

Chị còn dạy tiếng Việt cho nhóm học sinh rất đặc biệt là những người đàn ông đã lấy vợ Việt hoặc sắp lấy vợ Việt Nam. Những chàng rể Hà Lan thực sự muốn học tiếng Việt để có thể giao tiếp với những người thân trong gia đình của vợ. 

Tại Đức, Trường tiếng Việt AWO được thành lập năm 2008 do cô giáo Nguyễn Thu Loan phụ trách và trực tiếp giảng dạy tiếng Việt vào các ngày chủ nhật. Các lớp học tiếng Việt từ chỗ chỉ có khoảng 10 học sinh, dần dần đã lên tới 60 - 70 học sinh, thời điểm đông lên tới 80 học sinh khiến cô Nguyễn Thu Loan phải chia làm 3 lớp, 3 ca khác nhau.

Với những nỗ lực của cô Loan cùng các cộng sự kiều bào, trường đã có hàng nghìn học sinh theo học. Ngoài tiếng Việt được giảng dạy theo các bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, cô giáo Nguyễn Thu Loan còn lồng ghép trong buổi học các chủ đề về gia đình, đất nước và những nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Khẩu hiệu quan trọng cô Loan thường dạy học sinh là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Qua khẩu hiệu này, cô muốn các em học sinh - những người mang dòng máu Việt, đặc biệt là các thế hệ thứ hai, thứ ba đang sống tại Đức hiểu về văn hóa và truyền thống lễ nghĩa của người Việt.

Vì vậy, để tạo hứng thú hơn cho mỗi tiết học, cô luôn lồng ghép những câu đố vui liên quan đến chủ đề lễ tết hay những câu chuyện đạo đức, những bài học rút ra được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Thông qua những hình ảnh gợi mở, những câu chuyện vui, học viên sẽ dễ dàng nhớ và thuộc bài nhanh hơn so với việc chỉ học trên sách.

Chị Bùi Thị Xiêm là người dân tộc Mường, kết hôn và sinh sống ở Đài Loan (Trung Quốc) đã nhiều năm. Công việc của chị là giáo viên dạy tiếng Việt tại trường tiểu học và trung học ở Đào Viên. Chị bày tỏ: "Tôi coi dạy tiếng Việt không chỉ là công việc mà là trách nhiệm với Tổ quốc".

co xiem.jpg
Cô Bùi Thị Xiêm tại một buổi lên lớp. 

Các con chị Xiêm từ khi ra đời được mẹ dùng ngôn ngữ tiếng Việt để giao tiếp song song với tiếng bản địa. “Tôi nhận thấy, nhiều cháu con lai Việt – Đài hoặc con em người Việt sinh ra ở Đài Loan không nói được tiếng Việt là do bố mẹ bận không có thời gian dạy hoặc các cháu đi học môi trường nói tiếng bản địa nên ngại nói tiếng Việt. Tôi từng nghĩ, theo thời gian, các cháu ít dùng sẽ quên tiếng mẹ đẻ. Vì thế, tôi luôn tạo môi trường để các con mình dùng tiếng Việt, khuyến khích nói chuyện với bố, ông bà nội bằng tiếng bản ngữ và nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt”, chị chia sẻ thêm.

Cùng với việc dạy con nói tiếng Việt, chị Xiêm còn tự tổ chức lớp học tiếng Việt cho con em người Việt sinh ra và lớn lên ở Đài Loan. Ban đầu, chị trực tiếp đứng lớp với 30 học sinh là con người quen, bạn bè. Sau này, số lượng học viên đông hơn, chị mở thêm lớp và kêu gọi các cô giáo khác hỗ trợ giảng dạy. Học sinh của chị sau gần 2 năm học sẽ nhớ hết mặt chữ, biết ghép vần, biết giao tiếp cơ bản và hát bằng tiếng Việt.

Để nâng cao kiến thức, chị Bùi Thị Xiêm đăng ký đi học lớp bồi dưỡng dạy tiếng Việt và thi chứng chỉ hành nghề giáo viên tiếng Việt. Từ đó, chị chính thức trở thành giáo viên dạy tiếng Việt của các trường học ở Đào Viên.

Chị Xiêm còn tham gia Hiệp hội Quan tâm di dân quốc tế Đào Viên với 50 thành viên, có rất nhiều hoạt động cộng đồng không chỉ ở Đài Loan mà còn hướng về quê hương nhằm mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. 

“Tôi nghĩ rằng, ngoài việc kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã để lại, tôi cũng như bà con kiều bào còn mang trong mình sứ mệnh sáng tạo, lan tỏa để vừa gìn giữ, vừa phát triển những giá trị văn hóa đó trường tồn mãi với thời gian và ngôn ngữ chính là một phần của văn hóa”, chị Xiêm nói.

Quỳnh Nga