Năm 2013, người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số ở Cộng hòa Czech.

Là một trong những cộng đồng người Việt lớn ở châu Âu, với khoảng 100 nghìn người (trong đó hơn 30 nghìn là người Czech gốc Việt và gần 70 nghìn người Việt cư trú dài hạn), dân số đông thứ 3 tại Czech, cộng đồng người Việt ở đây được các chính giới, học giả sở tại đánh giá là một cộng đồng mạnh, có truyền thống đoàn kết nội bộ, bản lĩnh, trí tuệ, thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, hiếu học và giàu năng lực vượt qua chính mình.

Cộng hòa sec.jpg
Một sự kiện của Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Czech.

Đa phần người Việt tại Czech có cuộc sống ổn định, học tập và làm ăn thành công. Nhiều người Việt là chủ nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra hàng hóa cung ứng cho xã hội và cũng khá nhiều người là chủ của những cửa hàng, các trung tâm thương mại như Trung tâm thương mại Sa Pa ở Thủ đô Praha. Cộng đồng người Việt có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là góp phần phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bán hàng tiện ích cho nhân dân ở khắp các vùng miền của Cộng hòa Czech.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn, lan tỏa và tôn vinh tiếng Việt cũng được cộng đồng kiều bào cũng như Chính phủ Czech quan tâm. Chương trình học tiếng Việt được chính quyền các cấp nước sở tại ưu tiên, coi trọng. Ngày càng nhiều lớp dạy tiếng Việt được mở trên khắp đất nước Czech, tạo điều kiện cho con em người Việt học tập ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Điển hình như Trung tâm tiếng Việt Prague, thuộc Chi hội Người Việt Nam tại Prague. Suốt 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm tiếng Việt Prague cùng các thầy cô giáo luôn nỗ lực để duy trì các lớp dạy tiếng Việt. Đó là cách họ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, bảo tồn truyền thống văn hóa, hướng về quê hương đất nước cho thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Czech. Lớp học duy trì chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, tấm lòng và tình yêu của các thầy cô đối với tiếng mẹ đẻ.

Phần lớn các cháu sinh ra tại Czech nói tiếng Việt chưa sõi và viết sai ngữ pháp. Vì vậy, bên cạnh dạy nói, ông Sơn và các thầy cô ở trung tâm sửa lỗi trong giao tiếp, giúp các cháu đọc thông, viết thạo để sau này khi có cơ hội về Việt Nam có thể nói chuyện trôi chảy với người thân, bạn bè hoặc có cơ hội về Việt Nam đầu tư, làm ăn… Song song đó, trung tâm dạy các em về văn hóa, tín ngưỡng và những nguyên tắc khi giao tiếp phù hợp với văn hóa…

Sau gần 20 năm, nhiều thế hệ học trò của trung tâm đã trưởng thành, có sự nghiệp thành công, trong đó không ít người đã quay lại Việt Nam để làm việc và cống hiến. 

W-20230724-0914270-3.jpg
Các kiều bào trẻ trên khắp thế giới, trong đó có đại diện kiều bào Czech tham gia một chương trình từ thiện ở Thanh Hóa.

Hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam như một món quà của Tổ quốc gửi đến thế hệ kiều bào trẻ và cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Czech đều cử đại diện tham dự. Trại hè có hành trình dọc đất nước để các em khám phá, biết thêm về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. 

Bảo Ngọc, một kiều bào từng tham dự Trại hè chia sẻ: "Về Việt Nam được nghe tiếng mẹ đẻ thật sự xúc động. Em về với cội nguồn, với bản quán và được đón nhận, yêu thương. Nhờ các lớp học tiếng Việt ở Czech, khi về Việt Nam em tự tin giao tiếp với ông bà, cô chú và bạn bè mới".

Ngoài Trung tâm tiếng Việt Prague, Cộng hòa Czech còn có Trung tâm tiếng Việt của cô giáo Nguyễn Thị Mận cũng thu hút đông đảo bà con kiều bào, học sinh và cả người bản địa đến học.

Cô Nguyễn Thị Mận quê ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Trước đây, cô tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương và dạy học tại Trường Trung học cơ sở Hà Kỳ và Minh Đức. Tuy nhiên, sau 5 năm cô đành gác lại ước mơ dạy học để đoàn tụ với chồng tại Czech. Cùng chồng làm kinh doanh và nhiều mảng khác nhưng từ sâu thẳm trái tim, cô Mận vẫn nhớ da diết bục giảng và tiếng học sinh trong mỗi tiết học. 

Người phụ nữ này tưởng chừng phải quên đi những khát vọng của bản thân, cho đến một ngày chứng kiến nhiều em bé gốc Việt nhưng gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, thậm chí không thể phát âm tên của mình tròn vành, rõ tiếng, cô chợt nghĩ đến việc mở lớp dạy cho các em. 

Với sự hỗ trợ của chồng và lãnh đạo Hội Người Việt Nam của thành phố Karlovy Vary, năm 2019, lớp học của cô Nguyễn Thị Mận chính thức khai giảng với số lượng 13 học sinh. Để phù hợp với nhu cầu, độ tuổi của các em, cô phân loại học sinh và mỗi nhóm có 1 cách truyền đạt riêng, lựa chọn giáo trình phù hợp. 

Giai đoạn dịch Covid-19, lớp của cô chuyển sang dạy online. Hình thức dạy này vừa giúp các em tương tác được với cô giáo, có môi trường giao tiếp và phụ huynh cũng giảm được thời gian đưa đón. Ban đầu chỉ là lớp học với sĩ số nhỏ nhưng nay, để đáp ứng số lượng học viên ngày càng đông, cô đã thành lập Trung tâm tiếng Việt Karlovy Vary với trên 100 học viên. 

Tại Trung tâm của cô Mận, các em không chỉ được học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt mà còn được học hát, đọc thơ, viết thư, nghe kể chuyện cổ tích… bằng tiếng Việt. Những câu chuyện cổ tích, bài đồng dao được cô giáo Mận thiết kế thành những video sinh động. 

Dịp lễ, Tết của Việt Nam, cô thường tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian, thi vẽ tranh  phong cảnh và văn hóa Việt Nam; viết thư bằng tiếng Việt bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cô giáo và bạn bè…

Trong các tiết học, cô còn lồng ghép các chi tiết lịch sử hào hùng của dân tộc. "Dân ta phải biết sử ta - tôi luôn dạy các em nhớ đến câu nói này. Biết đến lịch sử dân tộc chính là cách để các em hun đúc niềm tự tôn, tự hào và tiếp nối công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tương lai", cô chia sẻ.

Cô Mận khẳng định, dạy tiếng Việt cho con em kiều bào không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm, sứ mệnh của một người con Việt Nam tri ân Tổ quốc, bởi tiếng Việt chính là sợi dây gắn kết và gìn giữ mỗi tâm hồn Việt nơi xa xứ với quê hương. "Tôi chỉ là người tiếp nối, góp chút công sức nhỏ bé để cùng bà con Việt kiều giữ gìn tiếng mẹ đẻ, văn hóa của dân tộc", cô nói. 

Quỳnh Nga